Hướng dẫn về visa Nhật Bản

Tổng quan về hệ thống visa Nhật Bản

Mỗi một du khách khi đến Nhật Bản đều phải sở hữu visa hợp lệ. Việc visa được cấp sau khi đến Nhật Bản hay phải đăng kí trước phụ thuộc vào loại hình "lưu trú" của du khách.

Dưới đây là bài viết ngắn gọn giới thiệu về một số loại visa dành cho du khách muốn đến Nhật Bản. Đối với những câu hỏi cụ thể và thông tin chi tiết hơn, tốt nhất bạn nên trao đổi với lãnh sự quán Nhật Bản ở nước bạn hoặc Cục xuất nhập cảnh Nhật Bản ở Nhật Bản.

Visa du lịch tạm thời

Hầu hết du khách có thể nhập cảnh vào Nhật Bản khi có visa du lịch tạm thời, hay visa du lịch, nhờ có hiệp định miễn thị thực giữa Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

Công dân của hơn 60 nước (danh sách đầy đủ có ở đây) sẽ được cấp visa miễn phí khi đến Nhật Bản và được phép lưu trú tối đa 90 ngày. Loại visa này không đòi hỏi chuẩn bị giấy tờ trước và chỉ cần dán một con tem chứng nhận tư cách nhập cảnh trên hộ chiếu của du khách. Du khách đến từ một số nước (bao gồm Thái Lan, Bru-nây, và In-đô-nê-si-a) được phép nhập cảnh vào Nhật Bản với visa miễn phí trong thời hạn 15 ngày.

Du khách thuộc những quốc tịch nhất định (Áo, Đức, Ai- len, Liechtenstein, Mexico, Thụy Sĩ hay Vương quốc Anh) khi nhập cảnh vào Nhật Bản với visa có giá trị 90 ngày có thể kéo dài thời gian lưu trú ở đây lên tới 6 tháng. Những ai quan tâm đến lựa chọn này sẽ cần nộp đơn xin gia hạn tại cục xuất nhập cảnh gần nhất ở Nhật Bản.

Visa du học

Những ai muốn học đại học hay tham gia các khóa học tiếng tại Nhật kéo dài hơn 90 ngày nên xin visa du học. Hầu hết các trường học và đại học có thể hỗ trợ các sinh viên tiềm năng trong quá trình nộp đơn xin visa. Quá trình nộp đơn thường yêu cầu xác nhận của trường sẽ theo học và chứng minh có đủ khả năng tài chính trong suốt quá trình học. Những sinh viên muốn làm việc bán thời gian để có thêm tiền tiết kiệm khi ở Nhật Bản sẽ phải xin giấy phép từ cục xuất nhập cảnh địa phương.

Hầu hết visa du học có thời hạn từ 3 tháng đến hơn 4 năm. Có thể xin gia hạn nếu sinh viên có thể chứng minh mình vẫn đang theo học.

Visa làm việc kết hợp du lịch

Công dân của hơn 12 quốc gia (Pháp, Đức, Áo, Slovakia, Anh, Ai-len, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Na Uy, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Canada, Úc, và Niu Di-lân) có thể nhập cảnh vào Nhật Bản khi có visa Working Holiday (visa du lịch kết hợp làm việc). Với visa này, du khách được phép làm việc bán thời gian ở Nhật Bản lên tới 1 năm. Loại visa này không áp dụng cho các công việc toàn thời gian mà dành cho những cơ hội ngắn hạn.

Để đăng kí tham gia chương trình này, du khách phải trong độ tuổi từ 18 đến 30, là công dân sinh sống tại một trong những quốc gia kể trên, và phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây:

  • Nộp cả mẫu đơn yêu cầu và CV
  • Chứng minh bạn có đủ tài chính để chu cấp cho bản thân
  • Đăng kí tại đại sứ quán nước bạn khi đến Nhật.

Để biết thêm thông tin chi tiết, truy cập trang web Hiệp hội Những người vừa du lịch vừa làm việc Nhật Bản.

Visa lao động

Những người muốn làm công việc toàn thời gian có trả lương tại Nhật cần phải có visa lao động để nhập cảnh. Visa lao động được cấp dựa trên lĩnh vực mà bạn sẽ làm việc trong thời gian ở Nhật Bản (ví dụ như báo chí, quản trị kinh doanh, nghệ thuật, giảng dạy, kĩ sư, giải trí, v.v.). Nếu bạn thay đổi công việc sang lĩnh vực khác khi vẫn đang ở Nhật, bạn cần nộp đơn xin loại visa lao động khác.

Phần lớn visa lao động được cấp cho những ai có trình độ cao (bậc đại học hoặc cao hơn) hoặc những ai có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Sẽ rất hữu ích nếu có một công ty "bảo lãnh" để chắc chắn rằng bạn có công việc tiềm năng (hoặc đảm bảo) khi đến Nhật.

Visa lao động thường có thời hạn từ 4 tháng đến 5 năm và có thể gia hạn.

Các loại visa khác

Một vài loại visa khác không thuộc những loại chính kể trên, bao gồm visa SOFA (dành cho bộ đội đóng quân tại Nhật hoặc được điều đến), visa nhà đầu tư, và visa lao động nước ngoài có tay nghề.

Để biết thêm thông tin chi tiết về những loại visa này cũng như những loại visa kể trên, hãy liên lạc với lãnh sự quán Nhật Bản ở nước bạn hoặc truy cập trang web Bộ Ngoại giao Nhật Bản để được hướng dẫn.

0
0
Bài viết này có ích không?
Help us improve the site
Give Feedback

Bình luận

Quay lại nội dung

Thank you for your support!

Your feedback has been sent.