Bầu không khí của khu Ginza dường như luôn sạch sẽ như những đồng tiền mới. Hàng ngày, những người chủ tiệm sẽ dọn dẹp khuôn viên vỉa hè trước mặt tiền cửa hàng của họ. Ngay cả khi cọ rửa và dọn dẹp vỉa hè, họ cũng mặc những bộ đồ đàng hoàng và sang trọng. Chính vì vậy, khó có thể thấy cảnh du khách mặc đồ thể thao vẩn vơ đi dạo quanh trong các cửa hàng tiện lợi ở đây.
Khu Ginza thoạt trông giống như một khu vực ngoài tầm với với những người bình thường, như thể một chiếc đồng hồ sang trọng trong tủ kính, với các cửa hàng Chanel và Gucci, các quán bar cần đặt chỗ trước và những nhà hàng cần phải được giới thiệu mới được vào. Tuy nhiên khu này cũng có một số cửa hàng thời trang dành cho tầng lớp trung lưu như Zara, H&M và cửa hàng Uniqlo lớn nhất thế giới. Ở đây có các xe mì, quán rượu bình dân và cả nhà hàng Hooters.
Thiên đường mua sắm
Cửa hàng bách hóa Wako khai trương vào năm 1894. Lúc đó, khách hàng được mời ngồi lên chiếu tatami khi nhân viên bày hàng hóa ra để lựa chọn. Ngày nay, Wako là một dãy cửa kính trong suốt trưng bày các phiên bản giới hạn các mặt hàng sang trọng. Gần Wako là hai trung tâm thương mại khác, Matsuya và Mitsukoshi. Hãy cố đến vào lúc sáng sớm lúc trung tâm thương mại mở cửa để đón xem nhạc lệnh và cảnh đội ngũ nhân viên trung tâm đồng bộ cúi chào. Cũng đừng quên ghé thăm những khu ẩm thực ngầm depachika trong khu Ginza này.
Ở đây bạn còn có thể mua cả những bộ kimono hoài cổ với mức giá phải chăng (cửa hàng Hanamura), đồ gốm của các nghệ nhân nổi tiếng (cửa hàng Kuroda Touen), hơn 2500 loại đũa (cửa hàng Ginza Natsuno), katana và các vũ khí khác (cửa hàng Seiyudo). Cửa hàng Itoya (khai trương năm 1904) là cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản bán cả văn phòng phẩm trong nước và của phương Tây. Ở đây có bán cả cái kẹp giấy khổng lồ nữa, kiếm thử đi.
Cửa hàng Kyukyodo ở Kyoto khai trương vào năm 1663 và mở chi nhánh ở khu Ginza tại cửa hàng Chuo-dori bán văn phòng phẩm và hương liệu từ năm 1880. Phía trước cửa hàng là khu đất có giá trị cao nhất ở Nhật Bản với giá 32 triệu yên mỗi mét vuông, kỷ lục trong hơn 30 năm liên tiếp.
Khu Ginza cũng có cửa hàng nhạc cụ (cửa hàng thương hiệu của Yamaha), 12 tầng váy cưới (cửa hàng Kirarito Ginza), máy ảnh cũ (cửa hàng Ginza Katsumido) và bốn tầng quần áo trẻ em chất lượng cao (cửa hàng Ginza Sayegusa, khai trương từ năm 1869).
Bạn có thể làm một chuyến du lịch vòng quanh Nhật Bản với khoảng 30 "cửa hàng ăng-ten", cửa hàng quảng bá thông tin về ẩm thực, thủ công mỹ nghệ và du lịch của các địa phương cụ thể, tại khu Ginza và khu Yurakucho sát bên. Có 14 cửa hàng như vậy tại khu phức hợp mua sắm Kotsukaikan.
Bạn có thể mua kem ốc quế với topping là những lá vàng thực phẩm tại cửa hàng ăng-ten của tỉnh Kanazawa, nơi chế tác ra 99% lượng vàng lá của Nhật Bản. Bạn cũng có thể thử các món ăn lai Mỹ / Nhật, cơm taco và tận hưởng không khí ấm áp của những hòn đảo phía nam với sự phục vụ của những nhân viên mặc áo sơ mi phong cách nhiệt đới tại cửa hàng ăng-ten tỉnh Okinawa.
Ăn uống ở Ginza
Một số nhà hàng sang trọng bao gồm nhà hàng tempura nổi tiếng Ten-Ichi hoặc ngôi đền sushi ba sao Michelin Sukibayashi Jiro Honten. Có rất nhiều món Pháp, Tây Ban Nha và Ý, thậm chí có cả món Singapore và cơm gà Hải Nam.
Bạn có thể ghé thăm những địa điểm lịch sử như Shiseido Parlour, một nhà tiên phong trong việc phục vụ các món như soda và cà rem (khai trương năm 1902) hoặc Café Paulista, quán cà phê phương Tây đầu tiên của Nhật Bản (khai trương năm 1911). Kimuraya là tiệm bánh kiểu phương Tây đầu tiên của Nhật Bản, khai trương năm 1869. Món đặc trưng ở đây là bánh mì anpan với nhân đậu đỏ.
Nhớ ghé thăm Rengatai, nơi khai sinh món thịt heo chiên tonkatsu vào năm 1899. Hoặc thử món cà ri katsu (tonkatsu với nước sốt cà ri), sáng chế của cửa hàng Ginza Swiss, khai trương năm 1947. Cà ri là món được người Anh mang tới Nhật Bản.
Với các món ngọt, bạn có thể thử sô cô la tại Le Chocolat De, nơi sử dụng các thành phần của Nhật Bản như tiêu sansho và yuzu citrus, bánh xốp castella tại Bunmeido Café Ginza hoặc bánh con sò (madeleine) tại Henri Charpentier Ginza Maison.
Món tráng miệng yêu thích của tôi là chè kuzukiri của Toraya, một công ty bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản từ những năm 1600 ở Kyoto. Hãy sử dụng đũa gắp những sợi miến dong lạnh kuzu rồi nhúng chúng vào nước siro wasambonto mitsusugar.
Nghệ thuật và Giải trí
Ginza có nhiều phòng trưng bày nghệ thuật hơn bất kỳ khu vực nào khác ở Nhật Bản (hơn 100) và là nơi dẫn đầu trong việc quảng bá nghệ thuật đương đại Nhật Bản. Kể từ năm 1889, Nhà hát Kabuzika là ngôi nhà của loại hình kịch kabuki và các hình thức nghệ thuật khác. Những bộ phim đầu tiên của Nhật Bản được trình chiếu ở đây vào khoảng đầu những năm 1900.
Có hơn 300 quán bar ở khu này bao gồm cả các nhà hát nhạc jazz sống, các quán cocktail thanh lịch và quán Bar Ginza Panorama với chủ đề mô hình tàu. Một số quán bar ấn tượng khác có thể kể đến như quán Bavarian Lion Beer Hall (khai trương năm 1930), Bar Lupin nằm ngầm dưới lòng đất trong một con hẻm (khai trương năm 1928). Trước đây các quán bar phải hoạt động bí mật chứ không được công khai anhư bây giờ.
Quận Yurakucho vẫn còn dấu tích của lính Mỹ sau Thế chiến II với các rạp chiếu phim, nhà hát, múa thoát y và quán bar đồng tính. Ngày nay, các quán rượu Izakaya nằm dưới đường ray tàu điện và thường mở cửa suốt 24 giờ. Nơi đây là một sự tương phản so với Ginza lộng lẫy. Muốn nói chuyện với nhau, bạn phải hét lên để át đi tiếng tàu điện ầm ĩ trên không.
Lịch sử và Xu hướng
Vào đầu những năm 1600, Edo (ngày nay là Tokyo) là một làng chài. Mạc phủ Tokugawa đã đặt một đồng bạc mới cứng tại nơi là khu Ginza ngày nay. Với địa hình gần với Lâu đài Edo ở phía bắc (nơi có Cung điện Hoàng gia ngày nay) và trung tâm thương mại vùng lân cận Nihonbashi (hiện tại vẫn là một khu kinh doanh chính), vùng đầm lầy này đã được khai hoang và dần trở thành một khu kinh tế chính.
Trong thời kỳ phong kiến, các quy tắc về cách ăn mặc của từng tầng lớp xã hội vẫn được áp dụng, chẳng hạn như kiểu tóc và độ dài ống tay áo kimono. Các lãnh chúa Daimyo và samurai đứng đầu mọi tầng lớp nhưng mong muốn ăn mặc thời trang vẫn tồn tại khắp xã hội. Xu hướng có thể bắt đầu bằng việc các kỹ nữ mặc bộ áo có màu mới hoặc cách một diễn viên gắn thêm một khăn quàng vai khi biểu diễn. Đôi khi, thường dân cũng sẽ giấu một miếng vải cấm trên lớp lót áo khoác của họ.
Sau hơn 200 năm đóng cửa bế quan tỏa cảng, Nhật Bản bị Mỹ bắt buộc phải mở cửa thương mại với thế giới vào năm 1853. Cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân bắt đầu từ năm 1868 khi tướng quân bị lật đổ và hoàng đế cùng các lãnh đạo mới của Nhật Bản quyết định quốc gia phải phương Tây hóa, hiện đại hóa và công nghiệp hóa để ngăn chặn sự thống trị của các cường quốc nước ngoài. Thủ đô Nhật Bản được chuyển từ Kyoto đến Edo (đổi tên thành Tokyo).
Các kiến trúc sư phương Tây được mời đến để biến Ginza thành thị trấn xây gạch đầu tiên của Nhật Bản. Các tòa nhà bằng gỗ đã được gỡ bỏ và đường đất được lát gạch. Sau đó là thay thế đèn lồng giấy bằng đèn điện và xe ngựa kéo bằng xe điện chạy trên đường phố. Các thương gia giờ đây trở nên cao cấp hơn những samurai, những người đã phải cắt bỏ búi tóc và phải giấu kiếm đi. Những chiếc mũ cao cấp và những chiếc váy đầm dần trở nên phổ biến trong khi giày da được thiết kế thêm vài phụ kiện để khi di chuyển phát ra tiếng kêu hơn.
Qua những trận hỏa hoạn (năm 1872), trận động đất lớn Kanto (năm 1923) và các vụ đánh bom không kích trong Thế chiến II, Ginza vẫn được xây dựng lại và hồi sinh nhiều lần. Đường phố được mở rộng để ngăn lửa phát tán. Nhiều tòa soạn được lát đá. Có cả tàu điện để kết nối với vùng ngoại ô. Có khoảng 60 căn nhà geisha để du khách có thể uống rượu sake hoặc thử các loại rượu nhập khẩu như rượu vang, whiskey, trà đen và cà phê.
Trong kỉ nguyên nhạc Jazz ở Paris và New York, các nghệ sĩ, nhà văn và giới trẻ có học thức cũng muốn thảo luận về tiểu thuyết Nga và Marx ở các quán bar và quán cà phê mới. Ginza là khu phố tuyệt vời nhất Tokyo vào đầu những năm 1900 nhưng hơn nửa điểm vui chơi phải đóng cửa trước Thế chiến II. Phần lớn những người dân Nhật Bản đều không thích phát triển quân sự phát xít.
Sau Thế chiến II, chợ đen là nơi có thể mua bán bất cứ thứ gì từ vớ cũ, củ cải, lợn cho đến chăn mền bệnh viện dính máu. Rồi "Phép lạ Kinh tế Nhật Bản" bắt đầu. Những năm 1980 là thời kì bong bóng kinh tế. Các doanh nhân vung tiền trong các câu lạc bộ với các nữ tiếp viên trong bộ kimono lụa hoặc thời trang cao cấp châu Âu, toilet được bọc bằng lông chồn và đá viên được cắt ra từ các tảng băng Alaska.
Những cửa hàng McDonalds, Starbucks và Apple Store đầu tiên tại Nhật Bản được khai trương tại khu Ginza. Nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong những năm 1990 và ngày nay, các vùng ngoại ô như Aoyama và Daikanyama cũng phát triển rất nhanh thành các đô thị tiên tiến nhưng khu Ginza vẫn giữ được sức ảnh hưởng của riêng mình. Nhà thiết kế quần áo Issey Miyake chỉ trưng bày các thiết kế của mình tại cửa hàng Elttob Tep Ginza. Và trung tâm mua sắm Swish Tokyu Plaza cũng mới khai trương vào năm 2016.
Ginza thậm chí còn có một công trình nằm trong một con hẻm nhỏ cổ hơn cả lịch sử 400 năm của khu này. Người dân địa phương thường cầu nguyện thần Inari trong thần đạo tại đền Toyoiwa Inari. Những chú chồn đá trong khu đền được cho là tượng trưng cho sứ giả của Inari. Trải qua hàng ngàn năm, Inari đại diện cho khả năng sinh sản, kinh doanh và tiền bạc, nhưng thần đạo quá cổ và nguồn gốc của nó cũng không rõ ràng và không có những bản văn thiêng liêng. Thông điệp thực sự của những con cáo được chôn trong bùn nguyên thủy bên dưới thị trấn phồn hoa này.
Nguồn: Ritchie, D., Tokyo Megacity, Tuttle Publishing, Periplus Editions (HK) Ltd, 2010 Goss, R., Tokyo: Capital of Cool, Tuttle Publishing, Periplus Editions (HK) Ltd, 2015 Mansfield, S., Tokyo: A Biography, Tuttle Publishing, Periplus Editions (HK) Ltd, 2016 Ginza Rediscovered, Tokyo Eye 2020 (documentary), NHK (Japan Broadcasting Corporation), 2015