Vị Samurai cuối cùng

Nơi Saigo Takamori ngã xuống

Có một người đàn ông mà người dân Kagoshima luôn luôn yêu quý: đó chính là Saigo Takamori, người thủ lĩnh của cuộc nổi dậy Satsuma.

Cuộc nổi dậy Satsuma là cuộc nội chiến cuối cùng ở Nhật Bản và có lẽ đây là lý do mà Saigo đã được gọi là "Vị Samurai cuối cùng": người samurai cuối cùng đã chiến đấu và chết đi như một võ sĩ chân chính. Ông, tất nhiên chính là hình mẫu cho nhân vật "Katsumoto", nhân vật chính thủ vai bởi Ken Watanabe trong bộ phim Hollywood của Tom Cruise, The Last Samurai (Vị Samurai cuối cùng) (2003).

Một lần nọ, tôi có cơ hội hỏi một người bạn của mình lớn lên ở Kagoshima, "Ai là người nổi tiếng hơn ở Kagoshima, Saigo Takamori hay Okubo Toshimichi ?" Cô ấy trả lời ngay, "Tất nhiên là Saigo-san rồi!", rồi tiếp lời, "Saigo-san RẤT nổi tiếng, mọi người ai cũng yêu quý ngài ấy, nhưng tôi chưa từng nghe có ai thích Okubo-san cả."

Saigo Takamori và Okubo Toshimichi

Cả Saigo TakamoriOkubo Toshimichi đều là những chính khách lỗi lạc vào thời Minh Trị, những người đã dẫn đầu cuộc cải cách mang tên Minh Trị Duy Tân (1868). Có lẽ là hơi quá khi nói điều này, nhưng nhờ hai người họ, cùng với những samurai khác như Katsura Kogoro, người đã thúc đẩy lực lượng lật đổ Mạc phủ Tokugawa và tạo dựng nên chính quyền Minh Trị mới. Nhưng sau đó họ đã không còn đi chung đường. Saigo lãnh đạo cuộc Nổi dậy Satsuma, trở thành kẻ đối nghịch với Thiên hoàng, trong khi đó, Okubo, vẫn là người đứng đầu của chính quyền Minh Trị mới, dẫn quân đội của Thiên hoàng đến đánh dẹp đội quân nổi loạn của Saigo. Cuối cùng, Saigo bị Okubo, người bạn thân nhất của mình đánh bại, và thực hiện nghi thức mổ bụng tự sát Seppuku(hara-kiri) và qua đời ở Shiroyama, Kagoshima.

Từ góc độ của chính quyền, Saigo là một kẻ phản loạn, nhưng tượng của ông lại có mặt ở khắp nơi, không chỉ ở quê hương Kagoshima của ông, mà còn ở Công viên Ueno, Tokyo - bức tượng này được quyên góp bởi Cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản. Năm 1898, 21 năm sau khi Saigo qua đời, bức tượng này được khánh thành ở Công viên Ueno, và nhiều chính khách nổi bật của thời kỳ này, bao gồm cả Thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ, ông Yamagata Aritomo, nhiều viên chức chính phủ, và Bộ trưởng người Anh, Ngài Ernest Mason Satow đã tham dự buổi lễ khánh thành tượng. Họ đều là những cựu đồng sự, thuộc cấp và bạn tốt của Saigo.

Câu chuyện của Saigo

Có một lý do khiến chính quyền Minh Trị không thể xem Saigo là một kẻ phản loạn hoàn toàn. Sau đây là đoạn tóm tắt tổng quan tình hình lúc đó. Ngay từ đầu, Cải cách Minh Trị được khơi nguồn bởi sự xuất hiện của bốn chiếc tàu dưới quyền chỉ huy của Phó Đề đốc Matthew Perry ở Vịnh Edo (Tokyo) năm 1853. Những người dân Nhật Bản, chủ yếu là các samurai, cảm thấy phẫn nộ trước việc Nhật bị buộc phải mở cửa giao thương với thế giới một cách trịch thượng, và họ hô hào khẩu hiệu "Nhương di!" (đuổi bọn mọi rợ). Các samurai thuộc phiên Satsuma (ngày nay là Kagoshima) và Choshu (ngày nay là Yamaguchi) có liên quan đến chuyện này. Tưởng tượng đi, lúc đó là năm 1853.

Satsuma và Choshu là hai phiên có lực lượng mạnh nhất đứng về phía Quân đội phía Tây ở Nhật Bản (Gia tộc Toyotomi), chống lại Quân phía Đông (phe Tokugawa) trong Trận chiến Sekigahara (1600).

Họ bị phe Tokugawa đánh bại và bị trừng phạt nặng nề. Vào thời điểm đó, Satsuma là gia tộc lớn nhất và mạnh nhất thống trị vùng Kyushu, và Choshu cũng thế ở vùng Chugoku. Sau Trận Sekigahara, đất phong của phe bại trận đương nhiên bị thu hồi, và gia tộc Satsuma bị nhồi nhét vào một vùng đất nhỏ hẹp chỉ bằng tỉnh Kagoshima ngày nay, còn Choshu thì bị dồn vào tỉnh Yamaguchi ngày nay. Cũng giống như việc giảm biên chế bắt buộc thời hiện đại, và khi bất kỳ nhóm, quân đội hay đoàn thể nào bị buộc thu giảm biên chế, họ không còn đủ khả năng duy trì nhân viên của mình. Nhiều samurai bị mất việc ở cả Satsuma và Choshu, và nhiều người trong số họ phải trở thành nông dân. Trong suốt 265 năm ròng rã, bao giờ thời đại của Tokugawa (Edo) còn tiếp diễn, thì các samurai ở Satsuma và Choshu, cùng với lãnh chúa của mình vẫn không nguôi lòng căm hận Tokugawa. Chẳng hạn như, samurai Choshu, ngủ đưa chân về phía đông. Suốt 265 năm như thế, họ nằm ngủ và đưa chân đá Tokugawa... Sự ghê tởm và căm phẫn này sâu nặng biết chừng nào!

Lãnh địa của hai phiên từng rất huy hoàng và hùng mạnh này hướng ra phía biển. Tận dụng địa thế thuận lợi cách xa Edo của mình, họ tích lũy tiền bạc qua việc buôn lậu bằng đường biển, và đến cuối thời Edo, thì đã trở nên khá giàu có. Khi hạm đội của Phó Đề đốc Perry châm ngòi hỗn loạn trên khắp nước Nhật, họ đứng lên, những đôi chân đã đá nhà Tokugawa suốt 265 năm liền, đã đứng dậy và hô hào khẩu hiệu "Nhương di!" với thế giới bên ngoài, nhưng thực chất, kẻ thù duy nhất của họ, kẻ mà họ muốn đuổi nhất chính là TOKUGAWA.

Chính quyền Minh Trị

Và vì thế, bên chống đối, hầu hết là các samurai của phiên Satsuma và Choshu, lật đổ Mạc phủ Tokugawa và lập nên Chính quyền Minh Trị mới. Nhưng hầu hết các samurai đã chiến đấu chống lại Tokugawa không hề đoán trước được rằng Thời đại Samurai sẽ kết thúc cùng với chế độ Mạc phủ Tokugawa. Họ hi vọng rằng Mạc phủ tạo nên bởi sự liên minh giữa Satsuma và Choshu sẽ thay thế Mạc phủ Tokugawa, và rồi họ sẽ cùng nhau đuổi hết những kẻ thù phương Tây khỏi nước Nhật. Chỉ có một vài thủ lĩnh bao gồm Saigo và Okubo hiểu rằng Nhật Bản phải mở cửa với thế giới và Thời đại Samurai phải kết thúc mà thôi.

Sau Cách mạng (Cải cách) Minh Trị, chính quyền Minh Trị mở cửa với các nước phương Tây nhằm có được kỹ thuật tiên tiến và tri thức của họ, để đối đầu với mối đe dọa từ các nước phương Tây này và hiện đại hóa đất nước mình. Cùng với điều này, họ hủy bỏ chế độ Han (Phiên) (chế độ phân phong lãnh địa theo truyền thống thời phong kiến) và hệ thống giai cấp. Điều này nghĩa là toàn bộ số samurai trên cả nước, chiếm 7% dân số vào thời điểm đó, trở nên thất nghiệp. Giả dụ như điều này xảy ra ở Nhật Bản ngày nay, nếu 9.1 triệu người đột nhiên thất nghiệp cùng lúc mà không được báo trước. Và những samurai này không chỉ mất việc thôi đâu, mà họ còn mất luôn vị thế trong xã hội của mình, nơi họ từng đứng ở vị trí cao nhất trong kim tự tháp thứ bậc. Họ liều mạng hi sinh, đổ máu và nước mắt, chiến đấu anh dũng, và đây là kết cục mà họ nhận được. Nếu BẠN là một samurai, liệu bạn có thể chấp nhận quyết định này không?

Và Saigo Takamori đã đóng vai trò của một vật hy sinh, tự chịu trách nhiệm nhận lấy mọi sự căm hờn, đau khổ và phẫn nộ của các samurai, đặc biệt là samurai ở Satsuma (Kagoshima).

Hai Samurai cuối cùng

Saigo biết việc hủy bỏ hệ thống giai cấp là điều cần thiết, nhằm hiện đại hóa Nhật Bản, và cũng hiểu nỗi đau của các samurai. Nhưng ông phản đối việc nổi dậy bằng hành động quân sự. Thế nhưng ông không thể ngăn cản các samurai trẻ tuổi của Satsuma đang phẫn nộ. Ông nói với họ, "Mạng tôi nằm trong tay các vị." và cùng họ chịu chung số phận. Ông dẫn đầu đội quân Satsuma 30,000 người, trước hết tấn công Thành cổ Kumamoto, sau đó chống lại 70,000 quân chính phủ ở nhiều nơi tại Kyushu. Đội quân của ông thiệt hại nặng nề trong Trận Tabaruzaka, và ông quay về Kagoshima với số quân còn lại của mình, giờ chỉ còn vài trăm người, đào hang động chiến đấu ở Shiroyama. Họ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, và Saigo tự sát bằng nghi thức Seppuku (harakiri).

Okubo Toshimichi, người chỉ huy đội quân chính phủ gây nên cái chết của bạn thân mình, Saigo Takamori, bị ám sát một năm sau cái chết của Saigo ở Shiroyama. Khi ông bị giết chết trên phố, người ta tìm thấy một lá thư từ Saigo trong túi áo ông. Chỉ là trong suy nghĩ nhỏ bé của tôi thôi, hai người đàn ông vĩ đại này, những người đã cống hiến và hi sinh đời mình cho công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản, ĐỀU là hai vị samurai cuối cùng

0
1
Bài viết này có ích không?
Help us improve the site
Give Feedback

Tham gia bình luận

Mi Mi 5 năm trước
Bài viết hay và bổ ích, cảm ơn tác giả!!

Thank you for your support!

Your feedback has been sent.