Chùa Senso, đền Fushimi Inari, chùa Kiyomizu, v.v. rất nhiều địa điểm du lịch hàng đầu ở Nhật Bản là đền và chùa. Trong khi đó, những ngôi đền chùa ít nổi tiếng hơn nhưng vẫn rất đẹp có mặt trên khắp Nhật Bản, ngay cả ở khu vực đô thị.
Viếng thăm những địa điểm linh thiêng này từ lâu đã trở thành một truyền thống quan trọng của người Nhật Bản, đặc biệt vào dịp Năm Mới, khi mọi người xếp hàng dài phía trước những ngôi đền và ngôi chùa chính để cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp. Trong khi nhiều người Nhật thậm chí chưa hiểu đầy đủ về cách ứng xử và các nghi thức khi đến đền chùa, hãy đọc bài hướng dẫn dưới đây và bạn sẽ làm mọi thứ đúng cách ngay lập tức.
Tổng quan
Việc đến thăm và cầu nguyện tại một ngôi đền hay chùa được gọi là omairi, còn nếu diễn ra vào dịp năm mới thì được gọi là hatsu-moude.
Một điều mà nhiều người quan tâm đó là cầu nguyện tại quá nhiều đền chùa sẽ đem lại những điều không may mắn, bởi vì như thế họ sẽ bị cho là tham lam. Tuy nhiên, điều này không đúng và vẫn chỉ là một bí ẩn bởi mỗi ngôi đền và chùa có những yếu tố linh thiêng của riêng mình. Vì vậy, đừng lo lắng về việc chỉ được chọn một trong rất nhiều đền chùa xinh đẹp ở Nhật Bản!
Sự khác nhau giữa đền và chùa
Thoạt nhìn, có vẻ đây không phải là một câu hỏi khó, nhưng nhiều người Nhật Bản thậm chí không biết câu trả lời.
Có hai cách để phân biệt đền và chùa. Đầu tiên, đền có một cánh cổng đơn giản gọi là cổng torii, tách biệt thế giới của con người và vùng đất linh thiêng. Trong khi đó, cổng tại một ngôi chùa gọi là sanmon, trông giống một ngôi nhà lớn hơn là một cánh cổng. Thứ hai, chùa gần như luôn có những hình ảnh và pho tượng Phật giáo, còn đền thì không.
Như vậy, tóm tắt lại sự khác biệt trong một câu, các vị thần trú ngụ trong đền, còn Phật trú ngụ trong chùa.
Viếng thăm đền
Khẽ cúi đầu trước khi bước vào cánh cổng torii, và hãy nhớ đi bộ bên lề đường để vào đền chứ không đi ở giữa. Phần giữa con đường và cổng torii là dành cho các vị thần, không phải cho con người.
Trên đường vào đền, bạn sẽ nhìn thấy một mái che nhỏ với một bể nước (được gọi là chozuya). Tại đây, bạn cần làm sạch cơ thể trước khi bước vào điện thờ chính. Múc một gáo nước và đổ vào tay trái, sau đó đổ vào tay phải. Tiếp theo, làm sạch miệng bằng cách chuyển lại gáo nước sang tay phải và đổ một chút nước vào tay trái, uống một ngụm rồi súc nhẹ - đừng uống nước trực tiếp từ gáo nước! Cuối cùng, giữ gáo nước thẳng đứng để nước còn lại trong gáo chảy xuống phía tay cầm và làm sạch tay cầm. Nếu bạn đến đây vào mùa đông, đừng bỏ qua bước này chỉ vì quá lạnh!
Khi bước tới đền chính, cuối cùng bạn đã sẵn sàng để cầu khấn. Quá trình này gồm một vài bước sau đây.
-
Cúi nhẹ.
-
Nhẹ nhàng bỏ một đồng xu vào trong chiếc hộp phía trước bạn. Số tiền bạn bỏ không quan trọng; dù bạn bỏ đồng xu 500 yên nhưng không có nghĩa là điều ước của bạn sẽ dễ dàng trở thành hiện thực hơn. Nhiều người Nhật tin rằng đồng xu 5 yên sẽ tăng cơ hội tìm được một người quan trọng đem lại may mắn, bởi vì go-en đồng âm với một từ tiếng Nhật khác có nghĩa "sự gắn kết". Tuy nhiên, đây chỉ là một truyền thuyết thành thị; các vị thần tồn tại trước khi đồng yên xuất hiện.
-
Rung chuông (nếu có) 2 hoặc 3 lần để báo hiệu với các vị thần là bạn đã đến.
-
Cúi thấp người hai lần (tạo thành góc 90 độ).
-
Vỗ tay hai lần, tay trái hơi nghiêng về phía trước một chút.
-
Cầu khấn, và hãy nhớ cảm ơn các vị thần.
-
Cúi sâu một lần nữa.
Viếng thăm chùa
Các quy tắc cũng áp dụng tương tự như khi viếng thăm đền - cúi nhẹ trước khi vào, đi bộ ở lề đường, và rửa tay tại bể chozuya. Tuy nhiên, cách cầu khấn có sự khác biệt.
-
Thắp hương (thường có sẵn tại chùa); mùi thơm của hương chính là "thức ăn" của Phật. Không được phép đốt nén hương của bạn bằng cách dùng nén hương đang cháy của người khác, bởi vì như thế có nghĩa là bạn sẽ chịu trách nhiệm cho tội lỗi của họ.
-
Cúi nhẹ.
-
Nhẹ nhàng bỏ một đồng xu vào chiếc hộp phía trước bạn.
-
Rung chuông (nếu có) 2 hoặc 3 lần.
-
Cúi nhẹ và cầu khấn, chắp tay nhưng KHÔNG VỖ TAY. Bạn nên cầm một chuỗi hạt hay tràng hạt khi cầu nguyện. Đừng quên cảm ơn Đức Phật!
- Cúi nhẹ.
Sau khi cầu khấn
Sau khi cầu khấn, tại đền thờ, bạn có thể mua ema, những thẻ gỗ nhỏ để bạn viết điều ước và sau đó treo lên để các vị thần nhận được. Hamaya, hay "mũi tên thiêng" mà mọi người trang trí tại nhà để xua đuổi ác quỷ, và các loại omamori, hay bùa cầu nguyện, ví dụ như bùa đi đường an toàn và sinh đẻ dễ dàng, là những món đồ lưu niệm phổ biến. Những chiếc tem kỉ niệm, được gọi là shuin, sẽ được tặng tại đền và chùa như một vật lưu niệm về việc cầu khấn của bạn.
Ngoài ra, chỉ với 100 yên, bạn có thể mua thẻ xăm omikuji, một mảnh giấy nhỏ dự đoán vận mệnh trên đó; tùy vào vận mệnh của bạn, bạn có thể giữ chúng hoặc buộc chúng vào một sợi dây thừng. Mặc dù chủ yếu là tiếng Nhật nhưng một số ngôi đền có thẻ xăm bằng tiếng Anh. Thẻ omikuji được chia thành các loại sau (từ tốt đến xấu):
- dai-kichi (大吉) - đại cát
- chuu-kichi (中吉) - trung cát
- sho-kichi (小吉) - tiểu cát
- kichi (吉) - cát
- sue-kichi (末吉) - mạt cát
- kyo (凶) - hung
- dai-kyo (大凶) - đại hung
Bên cạnh đó, thẻ omikuji còn cho bạn lời khuyên về những khía cạnh khác nhau trong năm tới, ví dụ như đi lại, mối quan hệ, sức khỏe, và điều ước.
Lần tới, khi bạn đến thăm một ngôi đền hay chùa Nhật Bản, đừng chỉ chụp ảnh - hãy trải nghiệm bằng cách cầu khấn và làm theo các bước đơn giản nói trên.