Tàn tích đầy tính biểu tượng của nơi từng là Hội trường Xúc tiến Thương mại Tỉnh Hiroshima, giờ được biết đến với tên gọi Vòm Bom Nguyên tử Hiroshima (原爆ドーム), đã trở thành một biểu tượng cho cả sự khủng khiếp của chiến tranh hạt nhân và hy vọng cho hòa bình.
Được thiết kế bởi kiến trúc sư người Séc, Jan Letzel, tòa nhà này, với tên gọi ban đầu là Hội trường Triển lãm Thương mại Tỉnh Hiroshima được xây dựng hoàn thành và mở cửa cho công chúng vào tháng 4/1915. Nơi đây chính thức mở ra cho cộng đồng vào tháng Tám cùng năm. Đó là một tòa nhà rất ấn tượng, với kiến trúc kiểu châu Âu đầy tự tin, tọa lạc ngay giữa khu vực nhộn nhịp của thị trấn, bên bờ Sông Motoyasu, nơi có nhiều du thuyền qua lại.
Chỉ cách cây cầu Aioi hình chữ T vài bước chân, nơi là mục tiêu của các phi công trên chiếc máy bay Enola Gay, ngày 6/8/1945, quả bom nguyên tử bùng nổ gần như ở ngay trên tòa nhà và, mặc dù tất cả 30 người ở trong tòa nhà này thiệt mạng ngay lập tức, đây có thể giải thích tại sao khu vực trung tâm ngay dưới mái vòm vẫn có thể đứng vững.
Vốn bị lên danh sách để bị phá dỡ cùng với toàn bộ tàn tích này, những kế hoạch này đã bị hoãn lại và Hiroshima đã được tái thiết xung quanh mái vòm và có nhiều ý kiến về việc phải giải quyết tàn tích này như thế nào. Một nhóm cư dân muốn giật sập nơi đây xuống, trong khi số khác lại muốn bảo tồn mái vòm này thành một đài tưởng niệm vụ ném bom.
Năm 1966, Thành phố Hiroshima quyết định bảo tồn Vòm Bom Nguyên tử vô thời hạn và thu hút ngân quỹ từ trong Nhật Bản và nước ngoài. Đến nay, Vòm Bom Nguyên tử đã trải qua hai dự án bảo tồn.
Mặc cho sự phản đối của Trung Quốc và Hoa Kỳ, vào tháng 12/1996, Vòm Bom Nguyên tử được công nhận vào Danh sách Di sản Thế giới UNESCO dựa trên Công ước Bảo vệ Di sản Tự nhiên và Văn hóa của Thế giới.
Website của Thành phố Hiroshima đã viết,
“Là một chứng nhân lịch sử đã truyền tải thảm kịch của vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử, và cũng là một biểu tượng cho lời tuyên thệ theo đuổi nỗ lực xóa bỏ vũ khí hạt nhân và gìn giữ hòa bình”.
Đây là một điểm tham quan nổi tiếng với du khách và cũng không lạ gì khi khu vực quanh tòa nhà lúc nào cũng đông đúc du khách từ khắp nước Nhật và trên thế giới, đến chụp ảnh khung sắt trơ trọi và bức tường bê tông vụn vỡ, hay tươi cười chụp ảnh với tòa nhà làm nền ở đằng sau. Không khí ở đây có lúc không hòa hợp với những gì mà khu tưởng niệm này biểu tượng. Bạn cũng sẽ thường gặp những người tự nguyện hết lòng hướng dẫn bạn đi tham quan xung quanh khu tưởng niệm, sẵn sàng kể bạn nghe thêm nhiều điều về vụ ném bom. Có thể việc nghe hiểu hơi khó với bạn, nhưng rất đáng để bạn dành thời gian lắng nghe.
Vòm Bom Nguyên tử cũng là một trọng điểm trong thiết kế Công viên Tưởng niệm Hòa bình, nằm ngay trên "Đường Hòa bình" của kiến trúc sư Kenzo Tange, đường kẻ này cắt qua công viên, đi thẳng qua đài kỷ niệm và ngọn lửa hòa bình, đến thẳng trung tâm của Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình, và thường được dùng làm khung cảnh cho những cuộc biểu tình phản đối (thường là) im lặng và cầu nguyện bởi các nhà hoạt động vì hòa bình và chống vũ khí hạt nhân, cũng như cho những buổi hòa nhạc ngoài trời thường được tổ chức ở bên bờ sông đối diện.