Loài "Sếu Đỉnh Đầu Đỏ", "Vị Thần của Đầm Lầy", hay chỉ đơn giản được gọi là Sếu Nhật Bản - ai có thể phủ nhận vẻ đẹp của bộ lông trắng với mảng màu đỏ trên đỉnh đầu, dáng điệu thanh nhã và vũ điệu đẹp mê hồn của những đôi sếu bên nhau?
Sếu đã luôn giữ một vị trí quan trọng trong truyền thống của nền văn hóa Nhật Bản, được gắn với những phẩm chất như sự trường thọ và lòng chung thủy. Loài hạc được cho là có thể sống đến 1000 năm, và gấp được một nghìn con hạc giấy sẽ biến điều ước thành sự thật. Biểu tượng cho điềm lành này đã luôn được duy trì trong văn hóa đại chúng, và hình ảnh loài sếu đã có mặt dưới nhiều dạng khác nhau ngày nay, từ logo chính thức của Japan Airlines đến những tờ tiền giấy 1000 yên thuộc Series D của nước Nhật.
Tuy hiện nay loài sếu Tancho đang trong tình trạng được bảo vệ, trước kia không phải lúc nào cũng vậy. Vào thời Minh Trị, loài chim lớn nhất Nhật Bản này bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng. Dần dần, một quần thể nhỏ được phát hiện ở vùng đầm lầy Hokkaido, sau đó, chính quyền đã chỉ định vùng đầm lầy thành một vườn quốc gia để bảo tồn quần thể loài chim quý hiếm này.
Ngày nay, chúng vẫn là một trong những loài sếu hiếm nhất trên thế giới. Trong tổng số 2800 cá thể trên toàn cầu, có đến 1500 con sống ở Nhật, với 2/3 sống ở Đầm lầy Kushiro của Hokkaido.
Với đỉnh đầu màu đỏ bắt mắt và trở xuống là sắc lông trắng như tuyết, cũng không ngạc nhiên gì khi Đầm lầy Kushiro thu hút khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng cư dân xinh đẹp và thanh thoát này của mình. Đây là nơi duy nhất mà ta có thể ngắm loài sếu tancho vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Hãy đến thăm Đầm lầy Kushiro vào mùa xuân hay mùa đông này - bạn sẽ không thể cưỡng lại vẻ uy nghi của Vị Thần của Đầm Lầy Hokkaido được đâu.