Hướng dẫn phòng chống động đất và bão

Làm thế nào để đối phó với thảm họa thiên nhiên ở Nhật

Rất ít quốc gia, nếu có, phải chịu nhiều thiệt hại từ các thảm họa thiên nhiên như ở Nhật Bản - quốc gia với nguy cơ hứng chịu thiên tai cao nhất trong số các nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, thiên nhiên không thể chế ngự; động đất và bão đã trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản. Mọi người chỉ có thể học cách chuẩn bị tốt nhất cho những tình huống xấu nhất.

Tổng quan

Cả động đất và bão đều có thể gây ra những thiệt hại nặng nề về nhà cửa và các cơ sở hạ tầng khác, ví dụ như mất nước và điện, và gây trở ngại nghiêm trọng đối với hệ thống giao thông vận tải. Động đất thậm chí có thể dẫn đến sóng thần ở những khu vực ven biển đồng thời gia tăng hoạt động núi lửa. Bão cũng có thể khiến sóng dâng cao, trong khi đó, mưa lớn và gió mạnh có thể gây ra lở đất và lũ lụt. Mặc dù hầu hết các tòa nhà đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn an toàn mới nhất nhưng những ngôi nhà gỗ ở nông thôn dễ bị nguy hiểm hơn và người dân ở đây cần thận trọng và chuẩn bị kỹ càng hơn.

Động đất

Nhật Bản là nước có nhiều hoạt động địa chấn nhất trên thế giới. Bạn có thể trải qua một vài trận động đất mỗi ngày, mặc dù phần lớn trong số đó hầu như không cảm nhận được. Thay vì sử dụng độ richter thông thường, Nhật Bản áp dụng thang shindo để đo cường độ của một trận động đất theo 10 cấp khác nhau – từ 0 đến 7, với cấp 5 và 6 được chia thành "Cộng" và "Trừ" (ví dụ, trận động đất Tohoku năm 2011 có cường độ cấp 5 cộng ở Tokyo).

Bất kỳ trận động đất nào trên cấp shindo 5 trừ được xem là mạnh, còn dưới cấp 2 là nhẹ. Trung bình, Nhật Bản trải qua khoảng 1 hoặc 2 trận động đất mạnh (cấp shindo 6) mỗi năm, và thiệt hại xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau.

Mặc dù động đất xảy ra thường xuyên ở tất cả các khu vực của Nhật Bản nhưng khu vực Sanriku (Aomori, Iwate, Miyagi) và các tỉnh nằm dọc bờ Biển Nhật Bản (Fukui, Ishikawa, Niigata) từ xưa đã phải hứng chịu nhiều hoạt động địa chấn nhất.

Những trận động đất mạnh gần đây bao gồm trận Đại động đất Hanshin xảy ra vào ngày 17 tháng 1 năm 1995, khiến 6.434 người tử vong và gây thiệt hại nặng nề cho thành phố lớn Kobe, và trận Đại động đất Đông Nhật Bản xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011, không chỉ cướp đi mạng sống của hơn 15.000 người mà còn là thảm họa thiên nhiên gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử thế giới, với tổng thiệt hại tài sản lên tới 235 tỉ đô, trong khi trận sóng thần kế tiếp gây ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Mọi người cho rằng vùng Kanto và Tokai có nguy cơ lớn phải hứng chịu một trận động đất mạnh trong hai thập kỷ tới. Điều này khiến cho công tác đối phó động đất càng trở nên cấp thiết hơn, ở cả cấp cá nhân và cấp doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Những điều cần làm – Động đất

Chuẩn bị trước

  • Biết trước địa điểm sơ tán được chỉ định (hinanjo) của khu vực bạn đang sinh sống và cách để đến đó (thường là trường học hoặc công viên).

  • Chuẩn bị một bộ dụng cụ sinh tồn trong trường hợp bạn cần sơ tán (xem ở trên) hoặc mất điện và mất nước. Bộ dụng cụ sinh tồn bao gồm:

    • bình nước (đủ trong một vài ngày)

    • chăn

    • đèn pin + pin

    • máy sạc điện

    • radio

    • một ít tiền

    • thực phẩm có thể để lâu (đủ trong một vài ngày)

    • dụng cụ mở đồ hộp

    • dụng cụ cấp cứu (thuốc, băng vết thương, v.v.)

    • chứng từ cá nhân

    • bút & sổ (viết thông tin liên lạc quan trọng – số điện thoại của gia đình, bạn bè, đại sứ quán, v.v.)
  • Đảm bảo đồ đạc trong nhà và các vật dụng khác được ổn định và tránh để những vật không chắc chắn phía trên cao. Tránh để đồ đạc trong hoặc gần cửa ra vào và gần các nguồn gây lửa.

Trong trận động đất

  • Khi một trận động đất xảy ra hoặc khi bạn nhận được cảnh báo động đất sớm, nhanh chóng tắt tất cả đồ vật sử dụng ga nhằm phòng ngừa hỏa hoạn và tìm chỗ che chắn, tốt nhất là dưới gầm bàn hoặc gầm ghế, mặc dù cửa ra vào và gần cột trụ cũng tương đối an toàn. Che đầu và cổ bằng gối, đệm ghế hoặc bằng tay. Tránh xa cửa sổ.

  • Nếu ở bên ngoài, nằm xuống, che đầu và cổ bằng túi hoặc bằng tay (tốt nhất là ở một khu vực thoáng rộng) đồng thời tránh xa cửa sổ, các vùng ven biển hoặc sông ngòi. Nếu bạn đang ở trên các phương tiện công cộng, thực hiện tương tự và sau đó làm theo hướng dẫn của người soát vé hoặc lái xe.

  • Nếu đang lái xe, hãy ở bên trong ô tô trong khi lái xe sát lề đường đến một khu vực an toàn. Tắt động cơ và nghe radio để nắm được tình hình. Nếu bạn cần sơ tán, ra khỏi ô tô, không khóa cửa, và để chìa khóa bên trong ô tô. Điều này sẽ giúp cho đội cứu hộ dễ dàng hơn trong việc dọn dẹp đường đi nếu cần thiết.

  • Mặc dù hầu hết các trận động đất thường kéo dài không quá 10 giây nhưng hãy ở tại vị trí được nhắc đến bên trên trong một vài phút bởi vì có thể có đồ vật rơi xuống hoặc dư chấn xảy ra sau đó.

  • Không di chuyển một cách không cần thiết; bạn sẽ không thể tránh khỏi trận động đất. Ở bên trong trừ khi bạn được yêu cầu sơ tán; cố gắng rời nơi làm việc hoặc trường học ngay lập tức sẽ khiến hệ thống giao thông quá tải và hoạt động không hiệu quả.

  • Trong trường hợp có cảnh báo sóng thần, ngay lập tức sơ tán tới địa điểm được chỉ định của khu vực bạn sinh sống, hoặc tới vị trí cao hơn.

  • Không sử dụng thang máy khi sơ tán; có thể sẽ xảy ra dư chấn khiến bạn bị mắc kẹt bên trong.

  • Nếu bị mắc kẹt bên trong thang máy, hãy nhấn nút khẩn cấp (thường được đánh dấu bằng biểu tượng điện thoại) để liên lạc với dịch vụ cứu hộ. Nhiều thang máy mới được trang bị một hộp khẩn cấp gồm đồ dự trữ trong trường hợp bạn bị mắc kẹt trong vài tiếng hoặc vài ngày.

  • Trên tất cả, hãy bình tĩnh và đừng hoảng sợ.

Bão

Khoảng 20 đến 30 cơn bão ảnh hưởng đến Nhật Bản mỗi năm. Mùa bão thường kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, trong đó tháng 8 và 9 thường là tháng đỉnh điểm.

Thay vì có tên cụ thể, các cơn bão được xác định theo số, ví dụ, cơn bão thứ 16 của năm được gọi là "Bão số 16" trong truyền thông Nhật Bản.

Phía tây Nhật Bản thường chịu nhiều thiệt hại do bão gây ra hơn so với phía đông. Bão gần như luôn di chuyển theo hướng đông bắc, bắt đầu từ Okinawa. Chính vì thế, đảo Ryukyu hằng năm bị ảnh hưởng nặng nề trong mùa bão. Mặc dù con số thương vong do bão gây ra đã giảm trong những năm gần đây bởi các tòa nhà được xây dựng kiên cố hơn nhưng tất nhiên, bão vẫn gây ra thiệt hại và cướp đi nhiều sinh mạng.

Những điều cần làm — Bão

Chuẩn bị trước

  • Biết trước địa điểm sơ tán được chỉ định (hinanjo) của khu vực bạn đang sinh sống và cách để đến đó (thường là trường học hoặc công viên).

  • Chuẩn bị một bộ dụng cụ sinh tồn trong trường hợp bạn cần sơ tán (xem ở trên) hoặc mất điện và mất nước.

  • Giữ an toàn chặt chẽ hoặc đưa các đồ vật bên ngoài vào trong, ví dụ như chậu cây và xe đạp.

Trong cơn bão

  • Đảm bảo đóng và khóa tất cả cửa ra vào và cửa sổ.

  • Tránh xa cửa sổ và đóng tất cả rèm cửa trong trường hợp kính vỡ.

  • Bằng mọi cách tránh xa các khu vực ven biển và bờ sông.

  • Bão thường kéo dài khoảng 1 ngày; hãy ở trong nhà nhiều nhất có thể. Nếu ở bên ngoài, hãy chú ý các vật thể bay và ô bị gãy.

  • Làm theo lời khuyên của chính quyền địa phương, sơ tán nếu cần thiết (đặc biệt trong trường hợp xảy ra lũ lụt).

  • Cảnh giác với đường dây điện bị đứt, mảnh vỡ rơi xuống và các con đường bị ngập sau khi bão đã qua.

Giữ liên lạc

Trong trận động đất Tohoku, dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter, và LINE đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận sự an toàn của gia đình và bạn bè, trong khi Skype cho phép liên lạc bằng lời nói.

Dịch vụ tin nhắn thiên tai của tập đoàn NTT là một phương thức tương tự nhưng hữu ích khi dữ liệu và kết nối Wi-Fi bị gián đoạn do quá nhiều người truy cập cùng một lúc. Hãy làm theo những bước sau đây để để lại và nhận tin nhắn, hoặc tham khảo hướng dẫn của tập đoàn NTT:

  • Cách để lại lời nhắn

    1. Quay số 171, sau đó quay số 1 để chọn ghi âm

    2. Quay số điện thoại của người khác

    3. Quay số 1, nhấn #, ghi âm lời nhắn, sau đó quay số 9, nhấn # để lưu lời nhắn.

  • Cách kiểm tra tin nhắn được để lại cho bạn

    1. Quay số 171, sau đó quay số 2 để chọn phát lại

    2. Quay số điện thoại của người có thể để lại lời nhắn cho bạn

    3. Quay số 1, nhấn #, nghe lời nhắn

Softbank, AUymobile (J) thường cung cấp dịch vụ tin nhắn thiên tai tương tự.

Cập nhật thông tin

  • Để biết danh sách số điện thoại liên lạc khẩn cấp, hãy đọc hướng dẫn Thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.

  • MegaNet là hệ thống phát thanh đa ngôn ngữ duy nhất ở Nhật Bản, phục vụ 10 ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tagalog, Thái Lan, Bahasa Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp) và phát sóng thông báo dịch vụ công cộng bằng tất cả các ngôn ngữ trên. Các đài phát thanh MegaNet gồm:

    • InterFM (Vùng Kanto) — 76.1 FM hoặc 89.7 FM, 76.5 FM đối với tỉnh Kanagawa

    • InterFM Nagoya (Nagoya & các khu vực xung quanh) — 79.5 FM

    • FM Cocolo (Osaka, Hyogo, Kyoto, Nara) — 76.5 FM

    • Love FM (Fukuoka & Saga) — 76.1 FM, 82.5 FM đối với phía tây Fukuoka, 82.7 FM đối với Kita-Kyushu

  • Trên tivi, NHK (kênh 1) là tổ chức phát sóng công cộng quốc gia của Nhật Bản, cung cấp tin tức mỗi giờ. NHK Radio 1 có thể tiếp cận ở tần số 594 AM.

  • Bạn có thể nghe dự báo thời tiết và thông tin thời tiết khi quay số 177 (chỉ có tiếng Nhật).

  • Thông tin về động đất của Cục khí tượng Nhật Bản

  • Thông tin về bão của Cục khí tượng Nhật Bản

  • Động đất Nhật Bản (Twitter) — Cung cấp thông tin mới nhất về động đất ở Nhật Bản.

Các ứng dụng hữu ích

Hầu hết điện thoại Nhật Bản có cài trước các cảnh báo động đất sớm. Mọi người cho rằng các cảnh báo đã cứu sống nhiều người trong trận động đất Tohoku. Mặc dù hầu hết cảnh báo được đưa ra khoảng 10 giây trước khi chấn động xảy ra nhưng những giây đó có thể là sự cách biệt giữa sự sống và cái chết. Dưới đây là những ứng dụng dành cho động đất và bão mà bạn có thể tải về trước chuyến đi nhằm đề phòng.

  • Safety Tips (iPhone / Android) – Nhận cảnh báo động đất & sóng thần sớm, cung cấp thông tin về những gì cần làm trong một trận động đất cũng như những thông tin hữu ích khi xảy ra thiên tai

  • Yurekuru (iPhone) – Ứng dụng thông báo đẩy đưa ra thông báo về cảnh báo động đất và cường độ dự kiến

  • Japan Alert (iPhone) – Ứng dụng cảnh báo động đất và sóng thần

  • Earthquake Alert (Android) – Cung cấp thông tin về các trận động đất xảy ra trên khắp thế giới

  • TyphoonInfo (iPhone) – Cung cấp thông tin về các cơn bão của Cục khí tượng Nhật Bản

  • Hurricane and Typhoon Track Pro (iPhone) – Cho thấy đường đi của cơn bão và những khu vực dự kiến bị ảnh hưởng cũng như hướng dẫn sinh tồn

  • Typhoon Tracker (Android) – Cung cấp thông tin về vị trí và cường độ cơn bão ở khu vực Thái Bình Dương châu Á.

  • Twitter (Android / iPhone / Windows Phone) – Không chỉ hữu ích trong việc cho phép những người theo dõi bạn biết rằng bạn đang an toàn mà ngoài ra, một số tổ chức cũng hỗ trợ Cảnh báo Twitter, cho phép họ cung cấp thông tin thiên tai cho những người đăng ký ngay lập tức. Hiện nay, những dịch vụ này chỉ có tiếng Nhật.

49
0
Bài viết này có ích không?
Help us improve the site
Give Feedback

Bình luận

Quay lại nội dung

Thank you for your support!

Your feedback has been sent.