Trong thế giới ngày nay với các tiện ích hào nhoáng và lối sống kĩ thuật số, có những trải nghiệm thực tế mà nhiều người trong số chúng ta đang khao khát. Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn muốn đến chợ trời, nơi mà việc xem xét các vật phẩm ngẫu nhiên của nhiều người bán hàng, trò chuyện với họ về những chủ đề ngẫu nhiên và mặc cả giá trị đã định sẵn của những món đồ, dù là ở Mumbai hay Tokyo, thì luôn là một trải nghiệm thú vị và sâu sắc.
Đó là một chuyến đi tình cờ vào chủ nhật đến đền Tomioka Hachimangu gần ga Monzen-Nakacho trên tuyến Tozai Tokyo Metro khi tôi phát hiện ra có một chợ trời ở đó. Đó là vào năm 2005, và tôi vẫn đến đây một vài lần mỗi năm.
Chợ trời diễn ra vào ngày mùng 1, 15 và 28 mỗi tháng. Bản thân ngôi đền mang một ý nghĩa lịch sử quan trọng, xuất phát từ thời một lễ hội mùa hè thường niên tại đây được coi là một trong ba lễ hội lớn dưới thời Edo. Một trong những báu vật quan trọng của đền là ichi-no-miya mikoshi nặng 4 tấn - mikoshi (đền di động) lớn nhất của vùng Kanto. Người ta cho rằng các đồ vật trang trí mikoshi gồm kim cương, đá ruby và saphire có giá trị khoảng 1 tỉ yên. Ngôi đền đã phải hứng chịu cuộc ném bom rải thảm trong Thế chiến thứ 2 và đã được khôi phục trong thời kì hậu chiến.
Chợ trời thu hút đám đông rất lớn, và tương tự như các chợ trời khác, sản phẩm ở đây gợi lại một nỗi niềm hoài cổ nhất định. Đền Tomioka Hachimangu bày bán rất nhiều hàng hóa lâu đời dành cho những du khách đang tìm kiếm các món đồ cổ có giá trị. Tôi đã sưu tầm được nhiều đồng xu, thiệp và tem quý hiếm. Đồ trang trí cho hành lang của căn hộ mà tôi đang ở cũng gồm nhiều món đồ mà tôi đã mua được tại chợ trời này. Thật không may khi tôi không thấy nhiều người bán hàng biết nói tiếng Anh tại đây, nhưng tất cả họ đều rất lịch sự và tốt bụng. Hãy nhớ rằng chợ trời diễn ra mỗi tháng trừ tháng 1.
Khu vực này nằm gần cầu Eitai và cầu Chuo-Ohashi mà bạn có thể ghé thăm chỉ trong một chuyến đi, miễn là bạn không mua quá nhiều thứ tại chợ trời. Săn kho báu vui vẻ nhé!